Nấm da (superficial fungal infection) là tình trạng nhiễm trùng do vi nấm xâm nhập và phát triển trên da. Trên bề mặt da có thảm vi sinh vật sinh sống cộng sinh, trong đó có vi nấm. Ở điều kiện bình thường, vi nấm thường không gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số điều kiện thuận lợi (ẩm ướt, vệ sinh kém, chấn thương, sử dụng kháng sinh tại chỗ lâu dài, suy giảm miễn dịch,…) vi nấm có thể phát triển quá mức, gây bệnh cho da.
Nấm da là gì?
- Nấm da là một trong những thể nhiễm nấm tại lớp thượng bì da nơi có lớp sừng (keratin) của da, lông và móng. Bệnh thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi như: Bẹn, kẽ ngón chân, tay, nếp dưới vú, nách, da đầu
- Các loại nấm da phổ biến: nấm thân,, lang ben, hắc lào, nấm kẽ, nấm móng, nấm da đầu (viêm da tiết bã)….
- Đối tượng dễ bị nhiễm nấm da: môi trường sống vệ sinh kém (nhà tập thể, trại giam, thói quen..), mặc quần áo chật hay ra mồ hôi ẩm ướt, nười có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, người bệnh tiểu đường, HIV/AIDS, đang điều trị ung thư

Nguyên nhân gây bệnh nấm da
Nấm da do hệ vi nấm Dermatophytes gây ra, có 3 giống nấm chính:
- Microsporum (1 loài)
- Trichophyton (23 loài)
- Epidermophyton (18 loài)
Nhiệt độ thích hợp cho vi nấm phát triển khoảng 25 – 30oC, các điều kiện thuận lợi khác như nhiệt độ cao, pH từ 6,9 – 7,2.
Nguồn gốc lây bệnh:
- Tiếp xúc trực tiếp vùng da nhiễm nấm của chính mình hoặc người khác.
- Tiếp xúc với động vật mang nấm, đặc biệt thú cưng như chó, mèo.
- Dùng chung vật dụng với người nhiễm nấm như lược, khăn tắm, quần áo,…
- Vệ sinh cá nhân kém.
- Sống, làm việc trong môi trường ẩm ướt, nhiệt độ cao, thuận lợi cho nấm phát triển và lây lan
Triệu chứng của bệnh nấm da
- Ngứa đến rất ngứa, thường ngứa nhiều hơn khi ra mồ hôi
- Thay đổi màu sắc da tùy theo tác nhân nấm gây bệnh, có thể màu đỏ, màu trắng hoặc nâu, thường nổi bật so với vùng da xung quanh.
- Phát ban: Xuất hiện các vùng da có vảy hoặc bong tróc, thường có viền rõ ràng, với bờ viền hơi nâng cao.
- Mụn nước hoặc mụn mủ: Một số loại nấm da có thể gây mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ, đặc biệt là ở tay và chân, bẹn, nách…
- Dày sừng, biến đổi màu móng: Trong trường hợp nhiễm nấm vùng da dưới móng, móng có thể dày, dễ gãy và thay đổi màu sắc (thường là màu vàng, nâu hoặc đen).
- Mùi hôi: Một số trường hợp nhiễm nấm da, đặc biệt nấm chân có thể gây ra mùi hôi khó chịu.
- Rụng tóc: Khi nhiễm nấm ở da đầu có thể gây ra tình trạng rụng tóc không sẹo hoặc có sẹo.
Cách chẩn đoán bệnh nấm da
- Dịch tễ học: tiếp xúc với người bệnh, cơ địa miễn dịch kém. Môi trường sống tập thể thiếu vệ sinh và khí hậu nóng ẩm.
- Chẩn đoán xác định: tổn thương da dát đỏ hoặc mảng đỏ, hình tròn đa cung, kèm vảy da mụn nước, mụn mủ tiến triển ly tâm
- Xét nghiệm soi mẫu da dưới đèn Wood: thay đổi màu sắc tùy theo vi nấm
- Cạo tổn thương da, tóc, móng,… nhuộm soi với KOH 10-20%: phương pháp dễ thực hiện tại chỗ, có kết quả ngay.. Nhược điểm yêu cầu lấy bệnh phẩm đúng cách, kinh nghiệm và kỹ thuật nhuộm soi phải thuần thục.
- Nuôi cấy và phân lập vi nấm: Môi trường thường được sử dụng là môi trường Sabouraud ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên thời gian trả kết quả thường lâu, có thể kéo dài từ 1 – 3 tuần.
Cách điều trị bệnh nấm da hiệu quả
Nguyên tắc điều trị
- Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh lây lan.
- Điều trị đúng phác đồ, đủ liệu trình, đủ liều và liên tục.
- Áp dụng các biện pháp khử mầm bệnh trong áo quần và đồ dùng vào cuối đợt điều trị; điều trị đồng loạt nếu trong tập thể sống chung có lan tràn bệnh.
- Kết hợp điều trị với dự phòng.
Điều trị cụ thể
- Nếu bệnh chỉ ở da, không có biến chứng thường chỉ cần bôi thuốc tại chỗ. Bệnh nấm da đầu, nấm móng, nấm da mãn tính hoặc lan rộng. Bôi thuốc tại chỗ không tác dụng cần phải kết hợp thuốc uống.
- Kháng nấm bôi tại chỗ: bôi hàng ngày, tối thiểu 2 tuần. Khuyến cáo không dùng các dạng kem bôi có thành phần phối hợp kháng nấm/corticosteroid do tác dụng trị liệu rất kém và gây biến chứng teo da. VD: ketoconazole, terbinafine, ciclopirox
- Kháng nấm đường toàn thân: Itraconazole, Terbinafine, Griseofulvin, Fluconazole…
- Điều trị bằng kháng sinh đường uống khi có bội nhiễm vi khuẩn.
- Các biện pháp tại chỗ khác: tắm, gội đầu, dưỡng ẩm sau khi lành sang thương
Phòng ngừa bệnh nấm da
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt.
- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân.
- Duy trì môi trường sống khô thoáng, sạch sẽ.
- Tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Kết luận
Điều trị nấm da an toàn và hiệu quả tùy thuộc vào từng trường hợp. Tuy bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ lan rộng hơn. Gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, cần phải nhận diện sớm các dấu hiệu, đến thăm khám bác sĩ da liễu sớm và tuân thủ hướng dẫn điều trị kịp thời. Liên hệ ngay với Lạc’s Beauty Center hoặc phòng khám da liễu gần nhất để được hỗ trợ.